BLOG

Phân biệt các loại mụn thường gặp và cách xử lý cơ bản 

Mụn là nỗi ám ảnh đối với rất nhiều người, đặc biệt là ở độ tuổi dậy thì và chị em phụ nữ. Tuy nhiên, mụn có nhiều loại và mỗi loại sẽ có cách xử lý cũng như điều trị khác nhau. Chính vì vậy, phân biệt các loại mụn cũng như biết cách xử lý cơ bản sẽ giúp bạn hạn chế tối đa các vết thâm sau mụn hoặc tránh làm tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn. 

Các loại mụn thường gặp 

 

– Mụn trứng cá.

Đây là tình trạng viêm da mãn tính xuất hiện ở mặt và các vùng khác trên cơ thể như cổ, tay, lưng… và dễ bị nhầm lẫn với các loại mụn khác như mụn nhọt, mụn mủ… 

 

Mụn trứng cá có thể tái đi tái phát nhiều lần đặc biệt ở độ tuổi dậy thì và các giai đoạn nội tiết tố bị thay đổi đối với nữ giới. Mụn trứng cá nếu không điều trị kịp thời có thể gây nên mụn bọc, mụn nang và để lại các vết sẹo trên da. 

 

– Mụn ẩn 

Là tình trạng mụn ẩn ở cằm, trán, mũi… nằm sâu trong da và khó quan sát được bằng mắt, tuy nhiên khi sờ hoặc dùng ánh sáng thì có cảm giác sần sùi, lộm cộm bên trong. 

 

Mụn ẩn dễ trở thành mụn viêm, sưng và mụn bọc nếu không biết làm sạch da đúng cách và điều trị. 

 

Việc tự xử lý mụn ẩn tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương bề mặt da, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây viêm nhiễm. Nên đến gặp bác sĩ để được đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. 

 

– Mụn mủ viêm, mụn bọc

Đây là tình trạng mụn sưng viêm, cứng, có mủ hoặc dịch vàng bên trong và gây đau nhức. Mụn viêm mủ dễ lan rộng và để lại sẹo nếu không điều trị kịp thời và đúng cách

 

Khi gặp mụn bọc hoặc mụn viêm mủ, tuyệt đối không được tự ý nặn để tránh viêm nhiễm và sẹo. Nên thăm khám và được tư vấn bởi các bác sĩ da liễu để tránh lan rộng và sẹo lồi lõm sau mụn. 

 

– Mụn thịt

Là một dạng u lành tính không gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng lại gây mất thẩm mỹ bởi chúng xuất hiện nhiều ở vùng da quanh mắt, gò má, cổ… 

 

Nguyên nhân gây mụn thịt có thể là do rối loạn chuyển hóa dưới da, mạch máu và collagen bị kẹt bên trong… 

 

– Mụn đầu đen

Là tình trạng xuất hiện các đốm đen li ti ở các vùng da có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh như mũi, cằm, má, lưng… với phần nhân đen trồi lên bề mặt da gây ra hiện tượng xỉn màu da, kết cấu da sần sùi kém mịn màng nhưng không gây sưng viêm hay đau nhức. 

 

Nguyên nhân gây mụn đầu đen là do không làm sạch bã nhờn và bụi bẩn bị bít tắc ở lỗ chân lông do tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, do nội tiết tố, môi trường ô nhiễm và chế độ ăn uống sinh hoạt không lành mạnh. 

 

Mụn đầu đen nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm, hình thành mụn sưng viêm và để lại sẹo 

 

– Mụn đầu trắng

Là mụn được hình thành bởi các tế bào da chết kết hợp cùng dầu thừa, bụi bẩn và các vi khuẩn gây bít tắc lỗ chân lông. Mụn đầu trắng thường nằm bên dưới lỗ chân lông, có phần đầu trắng nhỏ nhô lên trên bề mặt da nhưng không gây sưng đỏ. Mụn đầu trắng thường mọc thành từng cụm nhỏ trên da và xuất hiện ở các vị trí dễ trông thấy như mũi, cằm, trán và hai bên má. 

 

Nguyên nhân chính hình thành các loại mụn kể trên đó là

 

– Vệ sinh da không đúng cách khiến bụi bẩn và bã nhờn tích tụ gây mụn đầu đen, mụn ẩn

 

– Da bị vi khuẩn xâm nhập dẫn đến nhiễm trùng, gây sưng và đau nhức do tự ý nặn mụn 

 

– Căng thẳng, stress khiến nội tiết tố thay đổi gây ra mụn 

 

– Sử dụng các loại thuốc kháng sinh trong một thời gian dài

 

– Chế độ sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh 

 

– Lạm dụng mỹ phẩm và sử dụng sai cách hoặc không đúng cách sẽ khiến da ngày càng tệ hơn 

 

Một số cách xử lý cơ bản khi bị mụn 

– Có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh 

– Uống đủ nước 

– Chăm sóc da khoa học và đúng cách

– Bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể

– Sử dụng các biện pháp che chắn và bảo vệ da khỏi khói bụi, ô nhiễm và ánh sáng mặt trời như kem chống nắng, khẩu trang… 

– Thăm khám bác sĩ da liễu kịp thời trong trường hợp mụn sưng viêm để hạn chế lây lan và hình thành sẹo rỗ 

Bài viết khác